Lượt xem: 5458

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một sự kiện đã đi vào lịch sử dân tộc ta và thế giới như một trong những trang chói lọi nhất, vẻ vang nhất. Đó là chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của quân và dân ta, đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc.

    Tháng 12-1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Pari về “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, bởi các lý do:

    Trước hết, muốn cứu vãn tình thế cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ngày 06/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn huy động lực lượng lớn không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai vào miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt hơn.


Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không - Ảnh: Tư liệu/Internet. (Nguồn tuyengiao.vn)

    Thứ hai, trước thất bại nặng nề Mỹ buộc phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam do sức ép trong nội bộ nước Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến đường lối của Tổng thống Ních-xơn. Nhân loại tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhà Trắng buộc phải tìm lối thoát bằng việc, ngày 22/10/1972 Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.

    Thứ ba, Mỹ buộc ta phải chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Pari. Ních-xơn sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai đã ra lệnh bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B-52 mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc nhằm huỷ diệt, làm tê liệt ý chí của dân tộc ra, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện Mỹ đưa ra ở Hội nghị Pa-ri.

    Cuộc tập kích bằng đường không huy động lực lượng lớn nhất, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, sử dụng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất và cường độ dồn dập nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52 được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.

    Ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta; hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân đánh trả các cuộc tập kích đường không chiến lược của địch; xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân ta chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để quyết đánh, quyết thắng cuộc tập kích chiến lượng bằng máy bay B-52.


Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. Ảnh: TTXVN. (Nguồn tuyengiao.vn)

    Từ cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị,... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

    Từ 19 giờ 45 phút ngày 18/12/1972, Mỹ huy động toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, chiến thuật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm 200 máy bay B-52 và hàng ngàn máy bay các loại để mở chiến dịch tập kích chiến lược đánh phá liên tục, dữ dội hon 200 điểm ở khắp nội, ngoại thành Hà Nội. Ngay từ đầu, chúng đã sử dụng vũ khí, khí tài điều khiển bằng tia la-de để công kích các mục tiêu như: Sân bay, các trận địa tên lửa, pháo phòng không của ta, hủy diệt các nhà ga, kho xăng, nhà máy và các khu dân cư. Âm mưu của chúng là dùng sức mạnh của không lực nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu và gây tâm lý khiếp đảm, đánh đòn quyết định vào Thủ đô, hòng buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pari. Nhưng đế quốc Mỹ đã nhầm. Quân dân Hà Nội đã chủ động bước vào trận quyết chiến chiến lược với thái độ bình tĩnh, vững vàng và một khí thế quyết chiến, quyết thắng.

    Từ phút đầu cuộc chiến, cả bầu trời và mặt đất Thủ đô rung chuyển bởi tiếng pháo, súng các cỡ, các loại của bộ đội tên lửa, không quân, pháo cao xạ và dân quân tự vệ. Ngay đêm đầu tiên, Hà Nội đã bắn rơi 1 máy bay B-52 và 2 máy bay F-4, gây niềm phấn khỏi và khí thế chiến thắng tràn ngập trong lòng quân và dân Thủ đô. Ba ngày tiếp theo, giặc Mỹ tăng thêm các đợt không kích, điên cuồng đánh phá nhiều nơi. Đêm 20-12, các lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô đã có một trận thắng lớn, bắn rơi 5 máy bay B-52.

    Trước thất bại nặng nề, từ đêm 21 chúng phải chùn bước giảm hẳn mật độ máy bay đánh vào Hà Nội. Ngày 22 chúng dội bom xuống bệnh viện Bạch Mai, làm 28 người chết và bị thương. Cũng vào đêm 22, các khẩu đội súng máy cao xạ của tự vệ nhà máy gỗ, cơ khí Mai Động, cơ khí Lương Yên đã bắn rơi 1 máy bay F-111.


Xác B52 rơi ở đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội. (Nguồn tuyengiao.vn)

    Ngày 25-12 khi địch tạm ngừng ném bom, ta khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm, tăng cường lực lượng, sẵn sàng bước vào thử thách mới. Đợt ném bom thứ hai của Mỹ diễn ra từ ngày 26 mở đầu vô cùng ác liệt và tàn khốc. Lực lượng máy bay được huy động nhiều và mức độ huỷ diệt cũng gấp nhiều lần. Từng đoàn B-52 tập trung ném bom vào hàng chục mục tiêu, trong đó có nhiều khu dân cư đông đúc. Để trừng trị đích đáng tội ác của giặc Mỹ, các lực lượng phòng không Thủ đô đã bắn rơi thêm 5 máy bay B-52. Sau trận này, tinh thần giặc lái rất hốt hoảng, chúng buộc phải giảm số lần xuất kích của B-52 và huy động các máy bay cường kích ném bom vào nhiều khu vực ở phía Nam. Đêm 28 và 29, chúng chỉ cho một tốp nhỏ bay vào đánh phá Hà Nội nhưng cũng không thoát khỏi bị trừng trị, ta bắn rơi thêm 3 máy bay B-52 nữa.

    Trong 12 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972 có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi. Sau cuộc ném bom tàn bạo ấy, ngày 30/12/1972, tướng Gioóc Ết-tơ thú nhận trên tạp chí Không lực Hoa kỳ rằng, “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Ních-xơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.

    Đã 47 năm trôi qua kể từ sau 12 ngày đêm lịch sử ấy, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn âm vang trong lòng dân tộc, với ý chí kiên cương đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất đất nước, vẫn luôn toả sáng khí phách hào hùng, dấu son chói lọi trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta./.
Quốc Hùng

* Tài liệu tham khảo:

    - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập VIII: Thắng lợi quyết định năm 1972 - Viện Khoa học lịch sử Quân sự Việt Nam/Bộ Quốc phòng, NXB Chính trị quốc gia - 2013.

    - Thủ đô Hà Nội - 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển - Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, tháng 9/2014.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 68
  • Hôm nay: 2310
  • Trong tuần: 69,630
  • Tất cả: 11,853,819